Tìm giải pháp phổ cập kỹ năng bơi cho trẻ em tiểu học

Tìm giải pháp phổ cập kỹ năng bơi cho trẻ em tiểu học

Để hạn chế tình trạng trẻ tử vong vì đuối nước, tháng 2/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ra văn bản chính thức yêu cầu và khuyến khích đưa dạy bơi vào chương trình tiểu học với trọng tâm là khối lớp 4, mở rộng ra khối lớp 3 và lớp 5. Ngay sau khi nhận được văn bản hướng dẫn triển khai công tác phòng chống đuối nước, thực hiện thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015 của Bộ GD&ĐT, đại diện nhiều Sở GD&ĐT cũng như các trường tiểu học rất phấn khởi, bởi đây chính là giải pháp hữu hiệu để hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do đuối nước gây ra đối với học sinh.

Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện, đã phát sinh nhiều vấn đề nan giải. Khó nhất vẫn là làm thế nào để dạy học sinh kỹ năng bơi trong khi hầu hết các trường không có bể bơi, nhất là các trường ở vùng sâu vùng xa.

Cũng phải mất một thời gian dài, việc triển khai dạy bơi trong cấp tiểu học bị chững lại. Nhưng nhiều địa phương, do ý thức được trách nhiệm bảo vệ trẻ em đuối nước, đã từng bước tìm được con đường phổ cập bơi cho các em. Đà Nẵng là một trong những địa phương điển hình trong nỗ lực phổ cập kỹ năng bơi an toàn cho học sinh.

Trên địa bàn thành phố có khoảng 100 trường tiểu học, trong đó chỉ 14 trường có bể bơi do Nhà nước và các dự án hỗ trợ kinh phí. Để học sinh trong tất cả các trường được học bơi, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã khảo sát và đưa ra 5 phương án rất cụ thể. Thứ nhất, đối với các trường đã có bể bơi, học sinh được nhà trường dạy kỹ năng bơi miễn phí. Thứ hai, Sở khoanh vùng 44 trường lân cận sẽ sử dụng chung bể bơi với 14 trường đã có bể bơi. Thứ ba, 17 trường sẽ thuê bể bơi của các đơn vị, doanh nghiệp, khách sạn lân cận để dạy bơi cho học sinh. Thứ  tư cho phép 14 trường liên kết đầu tư với các doanh nghiệp xây bể bơi lưu động, được thu phí với mức thỏa thuận không quá 200.000 đồng/ 12  buổi dạy bơi / học sinh. Còn lại 11 trường ở các vùng khó khăn, thành phố xin đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước (phương án này cũng đã được triển khai xong).

Cùng với việc đưa ra các giải pháp quy hoạch, tạo bể bơi  cho các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng còn phối hợp với Sở Thể dục Thể thao tổ chức một khóa tập huấn về nghiệp vụ dạy bơi cho toàn bộ cán bộ, nhân viên các trường tiểu học; chỉ đạo các trường tổ chức lớp dạy bơi cho học sinh chặt chẽ, an toàn. Ngoài giáo viên phụ trách còn có nhân viên y tế sẵn sàng hỗ trợ.

Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh. Kết thúc năm học  2015 – 2016, Đà Nẵng có khoảng 2.500 học sinh tiểu học đã biết bơi. Ngành Giáo dục Đà Nẵng kỳ vọng, sau đợt phát động phổ cập kỹ năng bơi lần này sẽ có thêm khoảng hơn 14.000 học sinh hoàn thành kỹ năng bơi lội. Tuy nhiên việc dạy bơi cho học sinh tại Đà Nẵng vẫn là hoạt động ngoại khóa. Thành phố đang cân nhắc đưa dạy học bơi vào chương trình chính khóa.

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội cũng quan tâm đến công tác phổ cập bơi cho học sinh tiểu học; nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra, nhất là tại các quận, huyện có tỷ lệ tử vong cao do đuối nước

Từ năm 2016, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Thanh Xuân đã triển khai thực hiện giai đoạn I (năm 2016 – 2017) Đề án “Phát triển Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân giai đoạn 2016 – 2020”. Theo đó, các trường Tiểu học trên địa bàn quận  bắt tay vào dạy bơi cho học sinh lớp 5 và rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức dạy bơi cho học sinh lớp 4.

Bên cạnh những thuận lợi, vấn đề lớn nhất đặt ra cho tính khả thi của Đề án dạy bơi là số lượng bể bơi trên địa bàn quận còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu học bơi cho 100% học sinh lớp 5 của các trường tiểu học; một số trường tiểu học ở xa các trung tâm thể thao nên việc đưa đón học sinh đi học bơi gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết khó khăn này, phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND quận hỗ trợ 30% kinh phí  cho 100% học sinh đăng kí tham gia học bơi tại các nhà trường; phối hợp với các trung tâm thể thao, doanh nghiệp có bể bơi hỗ trợ các trường miễn phí sử dụng bể bơi dạy cho học sinh. Những trường học không gần bể bơi đã lựa chọn phương án lắp đặt bể bơi thông minh tại nhà thể chất ở các trường để dạy bơi. Đây là mô hình bể bơi có nhiều ưu điểm nổi bật phù hợp với việc dạy bơi đại trà trong các trường tiểu học.

Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị đầy đủ những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, các trường đã tổ chức thực hiện công tác dạy bơi cho học sinh lớp 5 theo đúng kế hoạch, khai thác hiệu quả mô hình bể bơi thông minh, tăng cường công tác quản lí, tuyệt đối đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học bơi. Trong mỗi buổi học bơi, ngoài giáo viên dạy bơi còn có giáo viên chủ nhiệm tham gia quản lí học sinh; Ban Giám hiệu, huấn luyện viên, nhân viên cứu hộ và nhân viên y tế thường xuyên trực. Phụ huynh học sinh hoàn toàn yên tâm khi cho con học bơi tại trường.

Cùng với sự chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi của UBND quận, các trường tiểu học trên địa bàn quận đã tổ chức dạy bơi cho học sinh lớp 5 đạt kết quả cao. Theo khảo sát ban đầu, toàn quận có 2.973 học sinh lớp 5, trong đó có khoảng gần 1.000 học sinh đã biết bơi và trên 2.000 học sinh đang học bơi tại trường hoặc phụ huynh tự đưa con đi bơi. Dưới sự huấn luyện bài bản của các huấn luyện viên được đào tạo chuyên nghiệp, chỉ sau hơn một tuần luyện tập số học sinh biết bơi đã đạt trên 50%.  Kết thúc khóa học bơi (15 buổi, 1 giờ/buổi), 100% học sinh tham gia học bơi đều biết bơi. Các trường đã phối hợp với Trung tâm Thể dục thể thao quận Thanh Xuân tổ chức kiểm tra sát hạch để cấp chứng chỉ bơi cho học sinh lớp 5. Tính đến ngày 28/5, có 6/11 trường tiểu học trên địa bàn quận đã tổ chức thành công đợt kiểm tra sát hạch cấp chứng chỉ bơi cho học sinh với tỉ lệ đạt là trên 90%. Số học sinh chưa được cấp chứng chỉ vẫn tiếp tục học bơi và phấn đấu hoàn thành chứng chỉ trước ngày 10/6/2016. 5/11 trường Tiểu học còn lại sẽ kết thúc khóa học bơi và kiểm tra sát hạch cấp chứng chỉ trước ngày 6/6/2016.

Tiếp nối sự thành công của việc triển khai dạy bơi cho học sinh lớp 5, các trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch dạy bơi cho học sinh lớp 4 từ ngày 17/6/2016 đến ngày 31/8/2016, tiến tới sẽ nhân rộng việc dạy bơi cho học sinh ở tất cả các khối lớp của bậc Tiểu học.

Từ những kết quả cụ thể của các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện  Thanh Trì,  Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gửi kế hoạch hướng dẫn 30 Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện, tùy từng điều kiện của địa phương tập trung tăng cường hướng dẫn cho học sinh trong việc phòng chống tai nạn do đuối nước. Trong đó lưu ý thực hiện Đề án phổ cập bơi bao gồm cả việc dạy bơi cho học sinh và dạy các kỹ năng khi tiếp xúc với nước. Hàng năm Sở đã phối hợp với các Trung tâm Thể thao mở các lớp huấn luyện cho từ 150 – 200 giáo viên và học sinh ở các trường về học bơi miễn phí và cách phòng chống đuối nước.

Trong khi các các trường tiểu học tại thành phố có thể phổ cập bơi lội cho học sinh tiểu học tại các bể bơi sạch đẹp, khang trang, Trường tiểu học Hưng Thạnh 2, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp lại phổ cập bơi lội ngay trên “bể bơi tre lưới” được thiết kế trên sông nước quê nhà.

Hưng Thạnh là một xã vùng sâu huyện Tháp Mười. Vào mùa lũ, nước từ thượng nguồn theo sông An Long chảy tràn ra các kênh rạch, cánh đồng trên địa bàn xã Hưng Thạnh, dẫn đến nguy cơ trẻ đuối nước cao, nhất là những học sinh nhà xa, bố mẹ hay đi làm vắng phải tự bơi xuồng đi học. Để trang bị kỹ năng sống cho học sinh trong vùng sông nước, từ năm 2008, các thầy cô Trường tiểu học Hưng Thạnh 2  bắt tay vào việc  xóa “mù” bơi cho các em học sinh của trường bằng cách tạo bể bơi ngay  trên dòng sông gần trường rồi dạy bơi miễn phí cho các em học sinh và các em nhỏ ở địa phương. Các thầy cô đã dùng tre cắm xuống lòng sông,  dùng  lưới bao quanh tạo thành bể bơi có chiều rộng 4 mét, dài 10 mét, sâu 2 mét trên  kênh 13 gần trường. Nhờ tận dụng những vật dụng do nhân dân đóng góp nên tổng chi phí cho mỗi bể bơi chỉ khoảng 600.000 đồng. Tuy có thuận lợi bể bơi có nước quanh năm, vật liệu rẻ, nhưng do vật liệu mau hỏng, nên chỉ sau 1-2 năm học, các thầy cô lại phải làm một cái bể bơi mới. Tuy nhiên các thầy cô không nản lòng, bởi từ đó đến nay, cứ vào đầu tháng 8, đều đặn các lớp học bơi 50 – 60 học sinh tham gia, trong đó 98% là học sinh khối lớp 1, số còn lại là học sinh khối lớp 2 (do năm trước chưa có điều kiện tham gia) và số học sinh các trường khác chuyển đến. Từ khi có lớp dạy bơi này, năm nào nhà trường cũng đạt khoảng 99% học sinh toàn trường biết bơi. Kết thúc khóa học bơi, các em được kiểm tra công nhận biết bơi và được UBND xã Hưng Thạnh trao Giấy Chứng nhận kèm tặng khuyến khích 20.000 đồng. Niềm vui lớn nhất là suốt 8 năm từ ngày có bể bơi tre nứa đến nay, nhà trường không có một học sinh nào bị đuối nước, các bậc phụ huynh rất an lòng. Tuy nhiên các thầy cô cũng còn một điều ái ngại về chất lượng nước tự nhiên của bể bơi liệu có đủ an toàn cho học sinh hay không, họ ao ước có được một bể bơi di động để yên tâm dạy bơi miễn phí cho các lớp học sinh tiếp theo của hai trường tiểu học trên địa bàn xã Hưng Thạnh.

Tuy nhiên, ngành giáo dục, các trường học vẫn cần nỗ lực rất nhiều mới có thể phổ cập kỹ năng bơi , kỹ năng tiếp cận với nước cho học sinh.  Câu chuyện đau lòng của 2 học sinh trường tiểu học Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh bị đuối nước trên đường về nhà ngay sau Lễ khai giảng năm học 2016 – 2017 ngày 5/9 vừa qua do sảy chân khi rẽ  xuống vũng nước sâu tại công trình xây dựng hệ thống kênh trục sông Nghèn chơi trò thả thuyền giấy, là một minh chứng cho thấy việc bảo vệ học sinh khỏi đuối nước luôn là một mục tiêu phải hướng tới càng nhanh càng tốt cho toàn ngành.

 

Box: Dạy bơi trong dịp hè

1.Từ năm 2012, Trường tiểu học Kim Xuyên (huyện Kim Thành, Hải Dương) đã đầu tư 1,8 tỷ đồng xây dựng bể bơi với chiều dài 25 mét, rộng 7 mét, sâu 1,5 mét, có hệ thống tuần hoàn nước hợp vệ sinh, khử trùng bằng các dung  dịch an toàn cho sức khỏe.

Sau khi dạy bơi thí điểm cho 25 học sinh lớp 5 với 20 bài học lý thuyết và thực hành, giúp các em nắm được kỹ thuật bơi an toàn, kỹ năng xử lý sự cố khi bơi, cách cứu bạn khi bị đuối nước, nhà trường bắt đầu tổ chức dạy bơi cho tất cả học sinh có nhu cầu. Từ tháng 5 đến hết tháng 7 hàng năm, các lớp học bơi được tổ chức tại bể bơi này với mức phí từ 450.000 – 500.000 đồng/khóa học. Trường có 4 giáo viên dạy bơi được đào tạo bài bản. Mỗi lớp học từ 16 -18 học sinh có  3 giáo viên phụ trách. Từ năm 2012 đến nay nhà trường đã dạy bơi được 500 học sinh, trong đó có 230 học sinh của trường. Số còn lại đến từ các  trường tiểu học các xã, thị trấn lân cận  như Phúc Thành, Phú Thái , Cộng Hòa. Mỗi năm 90% học sinh của trường đăng ký học bơi.

Tháng 9/2015, Trường tiểu học Kim Xuyên còn tổ chức giải bơi thiếu niên – nhi đồng mở rộng lần thứ nhất. Tham dự giải có 105 vận động viên đến từ 10 trường tiểu học và THCS trong huyện. Giải bơi đã góp phần khuyến khích phong trào tập luyện môn bơi của các trường, giúp học sinh được trải nghiệm và rèn luyện sức khỏe. Cuộc thi đã phát hiện những học sinh có năng khiếu để tiếp tục bồi dưỡng, lựa chọn tham gia các giải bơi sau

2. Trường tiểu học Hoằng Quỳ (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) bơi Yết Kiêu, phối hợp với một số nhà đầu tư tổ chức dạy bơi cho các em học sinh tại trường.

Trong dịp hè này, nhà trường đã quyết định vận động một số cá nhân có điều kiện tại địa phương phối hợp với nhà trường làm bể bơi và mời cô giáo dạy bơi về dạy cho các em học sinh với mong muốn các em vừa có một sân chơi bổ ích vừa trang bị được những kỹ năng bơi, phòng tránh rủi ro đuối nước,

Để có địa điểm cho các em vui chơi và tập bơi, ban tổ chức CLB đã nghiên cứu về cách tự tạo bể bơi thông minh tại trường. Nhà trường đã vận động một số cá nhân, đơn vị có điều kiện tại địa phương cùng phối hợp để mua vật dụng đơn giản là bạt và các thanh sắt và dựng thành một bể bơi với diện tích 112m. Hệ thống nước sạch được bơm vào bể và được xử lý an toàn có hệ thống lọc tuần hoàn đảm bảo vệ sinh cho các em bơi.

Hiện nay, nhà trường có 400 học sinh, trong đó có 200 em đang tham gia CLB bơi Yết Kiêu. Nhà trường đang tích cực vận động phụ huynh cho con em tham gia học bơi, tuyên truyền để phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng bơi và phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ.

Khi có nhu cầu cần tư vấn, lắp đặt BỂ BƠI DI ĐỘNG THÔNG MINH, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi:

Công ty Cổ phần Truyền thông Ba Miền
Địa chỉ: Phố Lê Lợi – Phường Nam Thành – TP Ninh Bình
Điện thoại: 0982.419.410 – 02296.270.292
Email: qcbamien@gmail.com
Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng, hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn chi tiết và có báo giá ưu đãi nhất./.
Xem toàn bộ mẫu mã sản phẩm tại Website: www.beboilapghep.vn

Contact Me on Zalo